Phân tích cơ bản trong giao dịch là một phương pháp mà qua đó, chúng ta có thể ước tính giá trị nội tại của một tài sản bằng cách đánh giá các yếu tố kinh tế, tài chính và các yếu tố thị trường định lượng hoặc định tính khác. Nó giúp các nhà giao dịch xác định xem một tài sản có đang bị thị trường định giá quá cao hay quá thấp hay không, và cho phép họ đưa ra các quyết định giao dịch dựa trên quan điểm cá nhân thay vì chỉ dựa vào phân tích kỹ thuật (biến động giá). Phân tích cơ bản có thể bao gồm việc kiểm tra các yếu tố kinh tế liên quan như lạm phát, lãi suất và các chỉ số vi mô.
Sự khác biệt giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích cơ bản khác với phân tích kỹ thuật. Khi nói về kỹ thuật, chúng ta phân tích những gì nhìn thấy trên đồ thị giao dịch, sử dụng các chỉ báo, dữ liệu khối lượng giao dịch, mô hình và các công cụ khác có sẵn trên nền tảng giao dịch để xác định các điểm vào và thoát vị thế tiềm năng.
Một số nhà giao dịch chỉ muốn sử dụng phân tích kỹ thuật khi giao dịch, vì vậy họ hài lòng khi những đồ thị cho họ biết hướng đi của một công cụ tài chính. Tương tự, một số nhà giao dịch lại ưa thích phân tích cơ bản, vì vậy họ chỉ giao dịch dựa trên các sự kiện lớn như các quyết định của ngân hàng và chính phủ, hoặc các sự kiện liên quan đến thiên tai.
Đừng tìm kiếm câu trả lời về việc phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật tốt hơn, bởi vì không có phương pháp nào được coi là hoàn toàn đúng hay sai khi giao dịch. Tùy thuộc vào quan điểm cá nhân mà bạn sẽ lựa chọn cách tiếp cận giao dịch để có được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, có một lưu ý là sự kết hợp giữa phân tích kỹ thuật và cơ bản có thể cải thiện các quyết định giao dịch của bạn, cho phép bạn đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và tránh rủi ro biến động đáng kể do các yếu tố cơ bản mà bạn không nhận thấy.
Cách giao dịch sử dụng phân tích cơ bản:
Trong thị trường giao dịch ngoại hối đầy năng động, kiến thức về các yếu tố kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định kinh tế, tăng trưởng và chính sách tiền tệ của một quốc gia là điều cần thiết. Các yếu tố này cũng tác động đến cung và cầu tiền tệ của một quốc gia, làm ảnh hưởng đến giá trị hiện tại và tương lai của nó. Do đó, khi các nhà giao dịch ngoại hối theo dõi và diễn giải những yếu tố kinh tế vĩ mô này, họ có thể phân tích các xu hướng dài hạn và dự đoán biến động tiền tệ, cho phép họ phát triển một chiến lược giao dịch phản ánh đầy đủ thông tin thị trường. Hãy cùng đi sâu vào chi tiết dưới đây.
Các yếu tố kinh tế vĩ mô:
- Tăng trưởng kinh tế (GDP):
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đại diện cho tổng giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong biên giới quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể. GDP thể hiện sức khỏe và tăng trưởng kinh tế. Khi GDP tăng, nền kinh tế mở rộng; ngược lại, GDP giảm cho thấy dấu hiệu suy yếu hoặc suy thoái.
Các nhà giao dịch forex cần theo dõi sát sao dữ liệu GDP vì những thay đổi trong GDP có thể ảnh hưởng đáng kể đến biến động tiền tệ. Hành động tiếp theo của chính phủ nhằm đưa ra quyết định phản ứng với các con số GDP cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường. Vì vậy, các nhà giao dịch thường cố gắng dự đoán kết quả công bố dữ liệu GDP và điều chỉnh vị thế giao dịch của họ cho phù hợp.
Dưới đây là những phản ứng khác nhau đối với thông tin GDP, thường được các nhà đầu tư theo dõi sát sao:
- GDP công bố thấp hơn dự kiến:
Khi con số GDP của một quốc gia được công bố thấp hơn dự kiến, điều đó có nghĩa là nền kinh tế suy yếu và hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến đồng tiền trong nước mất giá so với các đồng tiền khác. Ví dụ, khi GDP của Hoa Kỳ thấp hơn dự kiến, điều đó cho thấy chính sách tiền tệ có thể nghiêng về giảm lãi suất hoặc không tăng lãi suất. Điều này sẽ làm cho việc đầu tư vào đồng đô la Mỹ kém hấp dẫn hơn. Do đó, đồng đô la có thể giảm giá trị.
- GDP công bố đúng như dự kiến:
Khi số liệu GDP của một quốc gia được công bố đúng như mức dự kiến, tỷ giá sẽ giao dịch theo nhiều chiều hướng không rõ ràng. Trong tình huống này, các nhà giao dịch thường tìm kiếm những thông tin khác để diễn giải những gì có thể xảy ra tiếp theo, bao gồm kiểm tra số liệu GDP từ vài năm qua hoặc cùng kỳ năm trước để so sánh và nắm bắt bức tranh toàn diện.
- GDP công bố cao hơn dự kiến:
GDP cao hơn dự kiến thường củng cố đồng tiền của một đất nước và cho thấy nền kinh tế này là một môi trường kinh doanh hấp dẫn. Nó thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và tăng cường các động lực bên trong quốc gia. Ví dụ, nếu GDP của Hoa Kỳ được công bố cao hơn dự kiến, chúng ta có thể thấy đồng đô la Mỹ tăng giá so với các đồng tiền khác.
- Lạm phát:
Lạm phát đo lường tốc độ thay đổi sức mua của một đồng tiền theo thời gian, cũng như sự thay đổi dần dần trong giá cả hàng hóa và dịch vụ. Trong bối cảnh lạm phát, mỗi đơn vị tiền trở nên kém giá trị hơn.
Tỷ lệ lạm phát là mức giá trung bình của một rổ hàng hóa và dịch vụ được lựa chọn trong một năm. Tỷ lệ lạm phát cao có nghĩa là giá cả đang tăng nhanh, trong khi tỷ lệ lạm phát thấp hơn có nghĩa là giá cả đang tăng chậm hơn.
Để đối phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ có hành động phản ứng: tỷ lệ lạm phát cao hơn có thể khiến họ tăng lãi suất để kiềm chế giá cả leo thang. Lãi suất cao hơn sẽ làm cho một quốc gia trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, và do đó, đồng tiền của quốc gia đó sẽ tăng giá.
Ví dụ, khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, đồng đô la sẽ trở nên hấp dẫn hơn và thu hút các quốc gia nước ngoài đầu tư vào. Vì vậy, chúng ta có xu hướng nhìn thấy chỉ số đô la Mỹ tăng trong trường hợp này; ngược lại, nếu Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất, đồng đô la Mỹ sẽ mất giá trị.
- Lãi suất:
Những thay đổi lãi suất của ngân hàng trung ương thường ảnh hưởng đến thị trường forex. Lãi suất phản ứng với các chỉ số kinh tế, vì vậy bất kỳ thay đổi bất ngờ nào trong lãi suất đều có thể ảnh hưởng đến các nhà giao dịch.
Lãi suất đại diện cho tỷ lệ phần trăm tiền lãi trên số tiền gốc. Nó chính là lợi nhuận đối với người cho vay hay chi phí đối với người đi vay. Khi bạn vay tiền, bạn sẽ trả số tiền gốc và thêm một tỷ lệ phần trăm để bù đắp cho người cho vay. Số tiền trả thêm này được coi là lợi nhuận cho người cho vay và chi phí cho người đi vay.
Những thay đổi lãi suất ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, cổ phiếu và hàng hóa như thế nào?
- Đối với thị trường tiền tệ, khi ngân hàng trung ương của một quốc gia tăng lãi suất, đồng tiền của quốc gia đó trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, từ đó sẽ làm tăng giá trị đồng tiền của họ so với các đồng tiền khác. Ngược lại, lãi suất thấp hơn có thể khiến đồng tiền mất giá.
Ví dụ, nếu BOE quyết định cắt giảm lãi suất và Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, GBP sẽ mất giá trị. Đồng thời, đồng đô la Mỹ sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất cao hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến biến động tỷ giá GBP/USD.
- Đối với thị trường cổ phiếu, lãi suất cao hơn sẽ tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu do chi phí đi vay tăng, khiến lợi nhuận của các công ty giảm sút và quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh chậm lại. Ngoài ra, điều này sẽ làm cho cổ phiếu kém hấp dẫn so với các tài sản rủi ro thấp hơn như trái phiếu, bởi vì lãi suất cao hơn sẽ làm tăng tỷ lệ chiết khấu được sử dụng trong công thức định giá dòng thu nhập tương lai của công ty.
- Đối với hàng hóa, tất cả là câu chuyện về chi phí cơ hội; lãi suất cao hơn có thể khiến các tài sản như hàng hóa (tài sản không sinh tỷ suất lợi nhuận cố định) kém hấp dẫn hơn so với các tài sản có tỷ suất lợi nhuận cố định.
Lãi suất là một động lực cơ bản quan trọng trên thị trường tài chính mà các nhà giao dịch cần phải theo dõi. Dữ liệu kinh tế này có thể giúp họ dự đoán biến động thị trường và đưa ra các quyết định giao dịch sáng suốt.
- Thất nghiệp:
Tỷ lệ thất nghiệp đo lường tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động đang tìm việc làm. Tỷ lệ này là một chỉ báo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế và được các ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ khi đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ, đặc biệt là liên quan đến lãi suất.
Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cho thấy một nền kinh tế không lành mạnh – điều này có thể làm giảm niềm tin vào đồng tiền của quốc gia và khiến nó mất giá. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp thấp cho thấy một nền kinh tế lành mạnh và đồng tiền sẽ tăng giá.
Từ góc độ tâm lý thị trường, tỷ lệ thất nghiệp thấp là chất xúc tác cho tâm lý và gia tăng khẩu vị rủi ro, nghĩa là các nhà đầu tư có thể ưu tiên những đồng tiền và tài sản có tỷ suất lợi tức cao hơn. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ làm giảm khẩu vị rủi ro và mang lại lợi thế cho các đồng tiền trú ẩn an toàn hoặc các tài sản không sinh tỷ suất lợi nhuận cố định như vàng và bạc.
- Chính sách tài khóa:
Chính sách tài khóa xoay quanh vấn đề chi tiêu và đánh thuế của chính phủ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, cho dù trong thời kỳ suy thoái hay tăng trưởng. Trong thời kỳ suy thoái, chính phủ thường tăng chi tiêu và cắt giảm thuế để khuyến khích nền kinh tế tăng trưởng. Ngược lại, khi lạm phát tăng, chính phủ sẽ tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu để hạ nhiệt nền kinh tế.
Có hai loại chính sách tài khóa:
- Chính sách tài khóa mở rộng: mức thuế suất thấp hơn, chi tiêu chính phủ cao hơn để tăng tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách này củng cố niềm tin của nhà đầu tư và củng cố đồng tiền về lâu dài, trong khi những tác động ngay lập tức đến thị trường có thể mang tính trái chiều mà không cho thấy xu hướng đồng tiền rõ ràng.
- Chính sách tài khóa thắt chặt: lãi suất cao hơn và cắt giảm chi tiêu chính phủ là những cách để ngăn chặn hoặc giảm tỷ lệ lạm phát.
Chính sách này có tác động ngược lại với tác động của chính sách tài khoá mở rộng, vì vậy các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin do chi phí đi vay cao hơn và có thể trở nên thận trọng hơn khi giao dịch. Họ có xu hướng tập trung vào các tài sản trú ẩn an toàn trong những thời điểm này và tránh các tài sản và đồng tiền cho tỷ suất lợi nhuận cố định.
- Chính sách tiền tệ:
Chính sách tiền tệ xoay quanh một tập hợp các hành động mà ngân hàng trung ương thực hiện để kiểm soát cung tiền và đạt được tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc điều chỉnh lãi suất và các công cụ như nới lỏng định lượng (QE) và thắt chặt định lượng (QT). QE có nghĩa là ngân hàng trung ương bơm thanh khoản vào thị trường để khuyến khích nền kinh tế bằng cách mua tài sản (trái phiếu chính phủ), từ đó có thể làm suy yếu đồng tiền trong nước. Ngược lại, QT là chu kỳ mà trong đó ngân hàng trung ương hút thanh khoản từ thị trường, từ đó củng cố giá trị đồng tiền.
Các nhà giao dịch nên theo dõi chặt chẽ các dữ liệu và sự kiện kinh tế khi giao dịch trên thị trường ngoại hối, bao gồm cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách và thông điệp của họ đối với các dữ liệu nêu trên. Bất kỳ thay đổi nào trong các chính sách này sẽ ảnh hưởng đến biến động giá của đồng tiền cơ sở, cho phép các nhà giao dịch dự đoán biến động giá tùy thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô này.
Các chỉ số kinh tế quan trọng mà nhà giao dịch nên theo dõi:
Có hai chỉ số chính được các ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ khi đưa ra các quyết định về lãi suất. Các nhà giao dịch cũng nên chú ý đến các chỉ số này để dự đoán các quyết định của ngân hàng trung ương liên quan đến chính sách lãi suất; điều này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tinh chỉnh các chiến lược giao dịch của mình.
- Chỉ số giá tiêu dùng – CPI:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đo lường tổng mức thay đổi giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Chỉ số này thể hiện sự thay đổi theo tỷ lệ phần trăm trên cơ sở hàng tháng (MoM) và hàng năm (YoY).
Chỉ số CPI lõi là thước đo yêu thích của các ngân hàng trung ương – vì nó loại trừ các yếu tố đầu vào bao gồm thực phẩm và nhiên liệu có mức độ biến động cao – và cung cấp dữ liệu chính xác. Khi CPI lõi vượt quá 2%, nó thường là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, và khi nó giảm xuống dưới 2% thì các ngân hàng trung ương sẽ hành động ngược lại: cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và làm chậm quá trình giảm phát.
Thông thường, lãi suất cao sẽ thu hút dòng vốn chảy vào, giúp đồng tiền lên gia; đồng thời, lãi suất cao cũng có thể giúp giảm lạm phát cao do hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu gây ra. Ngược lại, khi lạm phát giảm, điều ngược lại sẽ xảy ra. Do đó, các nhà giao dịch nên theo dõi chặt chẽ chỉ số này để dự đoán phản ứng của thị trường sau khi dữ liệu được công bố, cho dù nó cao hơn hay thấp hơn ngưỡng 2%. Điều này cho phép các nhà giao dịch đưa ra quyết định sáng suốt và tránh những rủi ro không đáng có.
- Chỉ số giá sản xuất – PPI:
Chỉ số giá sản xuất (PPI) đo lường tốc độ thay đổi trung bình trong giá cả hàng hóa và dịch vụ từ góc độ nhà sản xuất sản phẩm hoặc nhà cung cấp dịch vụ. Chỉ số PPI cao cho thấy chi phí sản xuất tăng cao và lạm phát, báo hiệu khả năng tăng lãi suất và có ý nghĩa tích cực đối với đồng tiền của một quốc gia. Ngược lại, chỉ số PPI thấp cho thấy chi phí sản xuất vừa phải và chấp nhận được, dự đoán môi trường lãi suất ổn định hoặc thấp hơn – điều này sẽ tác động tiêu cực đến đồng tiền của quốc gia đó.
Chỉ số giá sản xuất đo lường lạm phát giữa các doanh nghiệp bán buôn, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phản ánh giá cả được trả bởi người tiêu dùng. Cả hai đều được công bố hàng tháng, và chúng ảnh hưởng đến các quyết định về lãi suất.
Kết luận:
Phân tích cơ bản bao gồm việc phân tích tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị nội tại của một đồng tiền bằng cách sử dụng các công cụ đã đề cập ở trên, bao gồm GDP, lạm phát, lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp và chính sách tài khóa/tiền tệ. Nó bao gồm các dữ liệu kinh tế chính, chẳng hạn như CPI và PPI, để giúp các nhà giao dịch dự đoán các quyết định của ngân hàng trung ương và phản ứng của thị trường. Điều này trái ngược với phân tích kỹ thuật, vốn tập trung vào các mẫu đồ thị giao dịch và các chỉ báo kỹ thuật được cung cấp trên nền tảng, nhằm đưa ra một diễn giải về khả năng một đồng tiền có đang bị định giá quá cao hay quá thấp hay không. Do đó, các nhà giao dịch cần kết hợp cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản khi giao dịch để nâng tầm chiến lược của họ và chọn thời điểm giao dịch chính xác.